Ngày 9.4, Tổng cục Đường bộ phối hợp với cục CSGT đường bộ,
đường sắt VN ra quân thực hiện xử phạt xe quá tải trên quốc lộ 5 theo
tinh thần công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh tình
trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng. Rất
ít trường hợp xe quá tải bị phát hiện, vì các DN vận tải biết thông tin
đã quyết định cho xe nằm chờ, nghe ngóng.
Sáng 9.4, trạm cân di động được
triển khai tại Km79 + Km80 quốc lộ 5, xã Lê Thiện, huyện An Dương,
TP.Hải Phòng. Quốc lộ 5 - tuyến giao thông huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng
ngày thường tấp nập xe tải, xe chở container qua lại, thì trong ngày
này lại rất thưa thớt. Những xe qua trạm cân chủ yếu là xe tải loại nhỏ
và một số xe container không chở hàng hoặc chở rất ít hàng.
Lượng xe tải, xe container lưu thông qua QL5 giảm đột ngột vì đa số các
DN vận tải đều nắm được thông tin các cơ quan chức năng triển khai kiểm
tra xe quá tải từ ngày 9.4. Ông Hoàng Bùi Dũng - GĐ Cty vận tải Dũng Lan
(Hải Phòng) - cho biết: “Không biết cơ quan chức năng áp dụng hình thức
cân trọng lượng nào: Cân tổng trọng tải của xe hay cân đầu trục xe. Nếu
áp dụng cân đầu trục thì có đến 80% số xe DN hiện nay vi phạm”.
Ông Dũng giải thích, đối với các đầu xe container cân đầu trục thì phần
đầu xe sẽ nhẹ tải, nhưng phần hàng phía sau sẽ quá tải. Ngược lại, đối
với hàng đông lạnh, đầu xe phải gắn hệ thống làm lạnh nặng hàng tấn nên
chắc chắn quá tải. Cùng chung tâm trạng với ông Dũng, ông NVL - GĐ một
DN vận tải ở Hải Phòng - băn khoăn: “Nếu phát hiện xe quá tải thì các cơ
quan chức năng có thiết bị hạ tải, có kho bãi lưu hàng không? Đối với
một số mặt hàng như thiết bị máy móc, dễ ngấm nước như ximăng, nếu quá
trình hạ tải, lưu bãi xảy ra hỏng hóc, ngấm nước thì ai chịu trách
nhiệm...”.
Theo ông Bùi Mạnh Hùng - GĐ Cty TNHH MTV vận tải Tân Đức Thành Hải
Phòng: Các container đều được vận chuyển từ nước ngoài về theo tiêu
chuẩn quốc tế. Trung bình 1 container 40 feet có trọng lượng 32 tấn cộng
với trọng lượng xe khoảng 20 tấn. Đối chiếu với các quy định thì chắc
chắn xe quá tải, vì vậy các DN không dám điều xe đi.
Xe tải “án binh bất động”
Theo quan sát của PV, đến chiều 9.4 tại các kho, bãi ở gần cảng Đình Vũ,
cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) các xe container vẫn đậu kín. Ông Trần Thanh
Hải - Trạm trưởng Trạm CSGT An Hưng, CATP. Hải Phòng - cho biết:
“Trong ngày đoàn liên ngành kiểm tra, lượng xe tải, xe container qua QL5
giảm hẳn”. Anh Lại Văn Huy - lái xe container - chia sẻ: “Chẳng biết
lực lượng chức năng sẽ làm “rắn” như thế nào. Trong khi đó, một chuyến
hàng lên Hà Nội chỉ được trả công vài trăm nghìn đồng nên chúng tôi tạm
nghỉ, chờ đợi cho “lành”.
Tại buổi kiểm tra đợt ra quân kiểm tra xe quá tải, ông Nguyễn Xuân Cường
- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN - cho biết, trước mắt, chủ
yếu xử lý các phương tiện chở tổng trọng tải quá cho phép. Đối với hình
thức xử phạt xe cân đầu trục, cơ quan chức năng sẽ nhắc nhở, yêu cầu lái
xe viết cam kết không tái vi phạm, sau đó từng bước xử phạt. “Đối với
các xe container, xe hàng đông lạnh, việc chở quá tải chủ yếu do DN cố
tình làm” - ông Cường nói.
Quyết định triển khai trạm cân di động của Tổng cục Đường bộ VN nhận
được nhiều ý kiến khác nhau. Đại tá Bùi Đình Chiến - Trưởng phòng CSGT
CATP.Hải Phòng - cho biết: “Triển khai các trạm cân di động là cần
thiết. Tuy nhiên, các trạm cân nên đặt gần cảng là nơi xuất phát của
hàng hóa sẽ rất thuận tiện cho việc hạ tải. Việc triển khai trạm cân
phải đạt yêu cầu, dứt khoát yêu cầu hạ tải đối với các phương tiện quá
tải. Nếu chỉ kiểm tra, xử phạt các phương tiện vi phạm rồi cho tồn tại
thì chẳng có ý nghĩa gì, đường vẫn bị phá”.
Theo kế hoạch, đợt ra quân kiểm tra, xử lý xe vi phạm quá tải trên tuyến
QL5 sẽ triển khai liên tục từ 9.4 - 28.4. Trong ngày đầu tiên, đa số
các DN vận tải cho xe nằm yên, nghe ngóng các diễn biến tiếp theo của
đợt ra quân. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt
động XNK của các cảng biển khu vực Hải Phòng và hoạt động của các DN sử
dụng nguyên liệu, máy móc được nhập khẩu từ cảng Hải Phòng.
Sẽ có thêm 11 trạm cân cố định và 67 trạm cân di động trên toàn quốc
Theo Tổng cục Đường bộ VN, sắp tới Tổng cục Đường bộ sẽ đầu
tư hệ thống kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc với 11 trạm cân cố
định và 67 trạm cân di động. Sau thời gian thí điểm sẽ có tổng số 67
trạm cân di động được đầu tư trên toàn quốc. Các trạm cân này sẽ được di
chuyển địa điểm, thời gian kiểm soát tải trọng để tạo yếu tố bất ngờ,
đồng thời tránh nạn “né” trạm. Các trạm cân di động được giao cho địa
phương quản lý và kiểm soát tải trọng xe tại địa bàn. Riêng các trạm cố
định được đầu tư chậm hơn vì thủ tục lâu và phức tạp hơn. Khó nhất là
tìm địa điểm, làm các thủ tục giao đất, xây dựng… Để chống tiêu cực,
TCĐB VN và Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính đang xây dựng dự thảo
quy định về kiểm soát hoạt động của lực lượng thực thi trạm cân theo
kiểu giám sát chéo. | | | |
|
Comments[ 0 ]
Post a Comment