Ngay sau khi Bộ Tài chính
có công văn sô 15269/BTC-TCHQ hướng dẫn gỡ vướng đối với hàng NK phải
kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra Nhà nước về
chất lượng (kiểm tra chuyên ngành) quy định tại Thông tư
128/2013/TT-BTC, các Chi cục Hải quan cửa khẩu TP.HCM đã giải quyết cho
DN mang hàng về bảo quản, với cam kết của DN chờ kết quả kiểm tra chuyên
ngành.
Giải tỏa hàng
Sáng 11-11, ông Bùi Xuân
Hướng, Đội trưởng Đội Thủ tục hàng hóa XNK Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn
khu vực 2 cho biết, toàn bộ 24.200 tấn muối công nghiệp NK tại cảng
Khánh Hội (quận 4 - TP.HCM) của Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam đã
được Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 tạm giải tỏa cho DN mang
hàng về kho riêng bảo quản, chờ kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng
theo chỉ đạo của Cục Hải quan TP.HCM.
Công ty CP Tập đoàn Muối
miền Nam phải có trách nhiệm thường xuyên báo cáo cho cơ quan Hải quan
về tình trạng hàng hóa được bảo quản đang trong sự kiểm tra, giám sát
của Hải quan và phải giữ nguyên hàng hóa, không được phép đưa ra sử dụng
khi chưa được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan. Chi cục Hải quan
cảng Sài Gòn khu vực 2 có trách nhiệm, kiểm tra, giám sát đối với lô
muối NK nêu trên của Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam được mang về bảo
quản và tiến hành kiểm tra đột xuất hàng hóa của DN.
Lô hàng trên được Công ty
CP Tập đoàn Muối miền Nam làm thủ tục hải quan NK tại Chi cục Hải quan
cảng Sài Gòn khu vực 2. Theo quy định mặt hàng này phải kiểm tra chất
lượng Nhà nước theo quy định và DN chỉ được mang hàng về kho bảo quản
trong trường hợp được cơ quan kiểm tra chuyên ngành kiểm tra, công nhận
là địa điểm kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, DN phản ánh, để có kết quả
kiểm tra chuyên ngành đối với lô hàng muối nêu trên, DN phải lưu hàng
tại cảng trong thời gian dài ngày, với số lượng hàng lớn, sẽ rất tốn
kém.
Theo ông Trần Quang
Phụng, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam, việc giải tỏa
hàng cho DN đưa về kho riêng bảo quản chờ kết quả kiềm tra chuyên ngành
tránh thiệt hại cho DN về chi phí phát sinh, trong đó có tiền phạt tàu
nước ngoài mỗi ngày 5.000 USD.
Theo Phó Cục trưởng Cục
Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp, cơ quan Hải quan chỉ giải quyết đối
với từng lô hàng cụ thể, DN có cam kết, thường xuyên báo cáo cho cơ quan
Hải quan về tình trạng hàng hóa được bảo quản đang trong sự kiểm tra,
giám sát của Hải quan và phải giữ nguyên hàng hóa, không được phép đưa
ra sử dụng khi chưa được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan.
Tại Hải quan Hải Phòng,
đầu mối có lưu lượng hàng hóa XNK lớn ở khu vực phía Bắc, cũng phát sinh
vướng mắc nêu trên nhưng tình hình không quá căng thẳng như địa bàn
TP.HCM. Theo đại diện một số Chi cục Hải quan cửa khẩu tại Hải quan Hải
Phòng, đơn vị thực hiện đúng theo quy định trong Thông tư 128 và các văn
bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Những trường hợp nào được phép mang
hàng về bảo quản chờ kết quả kiểm tra các đơn vị đều giải quyết kịp
thời, đúng quy định để tạo thuận lợi cho DN.
Lãnh đạo một Chi cục Hải
quan cửa khẩu ở Hải Phòng chia sẻ, vẫn đề mất thêm thời gian lưu giữ
hàng hóa (chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành) chủ yếu phát sinh thêm chi
phí cho DN. Thực tế có trường hợp DN không có kho để bảo quản hàng hóa
mà khi nhập về DN muốn chuyển hàng luôn cho đối tác.
Phối hợp hỗ trợ DN
Phó Cục trưởng Cục Hải
quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động
báo cáo các vướng mắc trước và trong khi triển khai Thông tư
128/2013/TT-BTC. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan kiểm
tra chuyên ngành bàn biện pháp để hỗ trợ tốt nhất cho DN, đồng thời vẫn
đảm bảo quản lí chặt chẽ hàng hóa NK phải kiểm tra chất lượng.
Ông Nghiệp cho biết thêm,
theo công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, một số nhóm hàng hóa đặc thù
sẽ được đưa về địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc kho, bãi của DN để
kiểm tra và bảo quản chờ kết quả kiểm tra nếu đáp ứng điều kiện giám sát
hải quan. Cơ quan Hải quan tại địa bàn kho, bãi bảo quản hàng hóa có
trách nhiệm kiểm tra và xác nhận địa điểm bảo quản đáp ứng yêu cầu giám
sát hải quan. Cơ quan Hải quan kiểm tra đột xuất các lô hàng được giải
tỏa…
Theo một số đơn vị hải
quan cửa khẩu, việc tạm giải tỏa cho DN mang hàng về kho bảo quản chờ
kết quả kiểm tra chuyên ngành nhằm để tạo thuận lợi cho DN, tránh phát
sinh chi phí lưu hàng tại cảng, tránh ách tắc hàng hóa. Tuy nhiên, cơ
quan Hải quan cũng chỉ giải quyết đối với từng lô hàng cụ thế, vì cả DN
và cơ quan Hải quan khó thực hiện được các yêu cầu trên.
Phó chi cục trưởng Chi
cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 Nguyễn Thị Bông cho biết, trung bình
mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 50-60 lô hàng NK phải thực hiện kiểm
tra chuyên ngành. Ngay sau khi có công văn của Bộ Tài chính, lãnh đạo
Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo chi cục xem xét giải quyết cho DN mang
hàng về kho riêng bảo quản nếu đáp ứng yêu cầu.
Đại diện các Chi cục Hải
quan cửa khẩu ở Hải Phòng cho biết, bên cạnh kịp thời giải quyết thủ cho
DN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan các đơn vị tiếp
tục tiếp nhận phản ánh vướng mắc của DN để phản ánh lên Cục Hải quan Hải
Phòng và Tổng cục Hải quan. Lãnh đạo Phòng Giám sát quản lí về hải quan
(Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết, đơn vị cũng đang tập hợp và hoàn
thiện các vướng mắc khi thực hiện Thông tư 128 để báo cáo Tổng cục Hải
quan.
Không chỉ có các cửa khẩu
cảng biển, tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hàng ngày có lượng
hàng hóa NK phải kiểm tra chuyên ngành cũng rất lớn. Theo Phó Chi cục
trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Nguyễn Xuân Bình do
tính chất đặc thù đối với hàng NK qua đường hàng không phần nhiều là
hàng tươi sống, nên cơ quan Hải quan, DN và cơ quan kiểm dịch đã phối
hợp tháo gỡ ngay các trường hợp vướng mắc, tạo thuận lợi cho hàng hóa NK
của DN. Không có hiện tượng kẹt hàng NK phải kiểm tra chuyên ngành tại
cửa khẩu.
Trong cuộc họp với
Cục Hải quan TP.HCM mới đây, các cơ quan kiểm dịch trên địa bàn TP.HCM
đề nghị cơ quan Hải quan chỉ giải quyết cho DN mang hàng về kho bảo quản
nếu trên giấy đăng kí ghi rõ nội dung cho DN mang hàng về địa điểm cụ
thể để lấy mẫu kiểm tra hoặc cấp giấy chứng nhận tạm. Cơ quan Thú y vùng
VI tiếp tục công nhận các địa điểm kho chứa hàng hóa của DN đảm bảo
điều kiện theo quy định thông báo cho cơ quan Hải quan. Chỉ khi nào, cơ
quan Thú y vùng VI cấp giấy chứng nhận vận chuyển về kho riêng bảo quản,
cơ quan Hải quan mới giải quyết cho DN mang hàng về bảo quản. Trong
tuần này, Cục Hải quan TP.HCM sẽ kí kết quy chế phối hợp với cơ quan
kiểm dịch.
(HQ)
Comments[ 0 ]
Post a Comment