Nhiều thủ đoạn mới
Các
lực lượng chức năng Lạng Sơn cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của
các cơ quan chức năng, tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái
phép gia cầm đã chìm xuống một thời gian. Tuy nhiên, gần đây lại bắt đầu
xuất hiện với các thủ đoạn mới, tinh vi hơn nhằm “qua mặt” các lực
lượng chức năng. Nếu như trước đây, các đối tượng vận chuyển gà nhập lậu
thường sử dụng xe tải, xe gắn máy chở gà lậu thì hiện nay chúng sử dụng
cả xe hạng sang để vận chuyển gà lậu.
Không
chỉ thay đổi phương tiện vận chuyển, các đối tượng còn thay đổi cả cách
thức vận chuyển. Theo ông Lê Hải Đăng - Đội trưởng Đội Quản lý thị
trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT Lào Cai: Sau khi bị làm mạnh ở Lạng
Sơn, Quảng Ninh, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng thủ đoạn mới là cũng
nhập gà sống, song khi về đến gần cửa khẩu thì tiến hành giết mổ tập
trung, rồi đóng thịt vào thùng xốp ướp đá, vận chuyển bằng xe lạnh về
nội địa tiêu thụ.
Sở
dĩ các đối tượng buôn bán vận chuyển gia cầm vẫn tìm mọi cách vận
chuyển, bất chấp sự kiểm soát gắt gao và dịch cúm gia cầm A/H7N9 đang
bùng phát tại Trung Quốc bởi siêu lợi nhuận từ kinh doanh gia cầm. Theo
tính toán của QLTT Lạng Sơn: Một kg gà thải loại nhập lậu giá chỉ có
5.000 - 10.000 đồng cùng với tiền vận chuyển mất khoảng 5.000 – 8.000
đồng. Nếu vận chuyển trót lọt vào sâu trong nội địa có thể bán với giá
50.000 - 60.000 đồng/kg. Còn các loại gà giống tổng chi phí mua và vận
chuyển chỉ khoảng 3.000 - 5.000 đồng/con trong khi được bán buôn tại
biên giới với giá từ 13.000-15.000 đồng/con. Tuy nhiên, các lực lượng
cũng cho rằng, thực chất, các loại gà này có giá rẻ vì đây là gà thải
loại của Trung Quốc không còn cho năng suất trứng. Người dân Trung Quốc
không sử dụng bởi trong gà thải có nhiều tồn dư kháng sinh độc hại.
Lo ngại dịch cúm gia cầm bùng phát
Theo
các cơ quan chức năng, vấn đề lo ngại nhất hiện nay là dịch cúm AH7N9
đang bùng phát ở Trung Quốc có nguy cơ lây lan sang Việt Nam qua gia cầm
nhập lậu. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Nguy cơ xâm nhập, lan
truyền và bùng phát dịch bệnh do virus cúm A/H7N9 ở nước ta rất cao vì
virus này có nguồn gốc gen từ gia cầm và các loài chim, với đặc tính dễ
biến đổi và khả năng thích nghi cao, nguy cơ lây nhiễm từ người sang
người có thể xảy ra. Trong khi đó tình trạng vận chuyển, nhập lậu gia
cầm qua biên giới hết sức phức tạp. Giao lưu đi lại của người dân hai
nước rất lớn và cộng đồng chưa có miễn dịch do cúm AH7N9 thuộc chủng
virus mới.
Ông
Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Lạng Sơn, cho
biết: Các ngành chức năng trên địa bàn khẩn trương kiểm tra khu chăn
nuôi gia cầm tập trung (nhất là địa bàn biên giới), các chợ buôn bán gia
cầm; khuyến cáo người dân không tiếp xúc, vận chuyển, nuôi nhốt, làm
thịt, ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là gà thải loại từ Trung
Quốc. Tuy nhiên, cái khó hiện nay, nhiều đối tượng còn sử dụng thủ đoạn,
vận chuyển gà lậu về thả một thời gian ngắn và trở thành gà ta khiến
người sử dụng khó phân biệt nguồn gốc chất lượng.
Trước
nguy cơ dịch cúm A H7N9 lây lan trên diện rộng và đặc biệt có thể lây
lan sang cả Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn - Cao Đức Phát đã có công điện khẩn yêu cầu các
tỉnh, thành tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm
qua các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm ngăn chặn cúm H7N9 lây lan từ Trung
Quốc sang Việt Nam. Trước mắt, để chặn virus cúm A/H7N9 từ phía biên
giới Việt – Trung, Bộ NN&PTNN yêu cầu các tỉnh, thành nghiêm cấm tất
cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia
cầm qua biên giới các tỉnh phía Bắc, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia
cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân
khu vực biên giới.
Comments[ 0 ]
Post a Comment