Trong
bối cảnh hội nhập kinh tế, tạo dựng được thương hiệu quốc gia là một
cách để khẳng định giá trị cũng như vị thế hàng hóa trên thị trường
trong nước và quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia để khẳng định
vị thế của đất nước gắn với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng, uy
tín, phong phú, đa dạng.
Những năm qua, mặc dù kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng, lại có nhiều
tiềm năng, thế mạnh về xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhưng thực tế,
Việt Nam vẫn chưa có nhiều thương hiệu mạnh.
Hiện nay cùng với các chương trình lớn như: chương trình xúc tiến thương
mại, thương hiệu quốc gia… việc xây dựng và phát triển thương hiệu của
các ngành hàng đã có những bước tiến đáng kể.
Nhiều ngành hàng của Việt Nam đã bắt đầu ghi được dấu ấn trên bản đồ thị
trường thế giới đơn cử như ngành dệt may. Cùng với sự gia tăng về kim
ngạch xuất khẩu, ngành dệt may Việt Nam cũng dần làm thay đổi cách nhìn
nhận của các nhà đầu tư, các nhà nhập khẩu rằng Việt Nam chỉ là nước gia
công sản phẩm dệt may.
Bằng chứng là, tính đến nay, khoảng 40% sản phẩm xuất khẩu của ngành dệt
may Việt Nam là hàng FOB và trong định hướng phát triển đến năm 2020,
ngành dệt may phấn đấu đạt 20% hàng xuất khẩu là sản phẩm OBM (sản phẩm
tự thiết kế, sản xuất).
Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư và Thương
mại TNG cho biết, thực ra đối với DN thì thương hiệu quốc gia là cái cực
kỳ quan trọng đối với những DN xuất khẩu.
“Ở đây tôi muốn nói là thương hiệu quốc gia, xong đến thương hiệu tỉnh
rồi mới đến thương hiệu DN. Dù thương hiệu DN khá quan trọng nhưng theo
tôi nó vẫn xếp thứ 3, và thương hiệu quốc gia là quan trọng nhất, đặc
biệt là trong lĩnh vực may mặc”, ông Thời cho hay.
Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong 6 nước may mặc lớn nhất thế giới,
thương hiệu của Việt Nam cũng đã dần dần được khẳng định là sản xuất tốt
và chất lượng dịch vụ tốt . Đây cũng là một trong những yếu tố giúp làm
tăng số lượng hợp đồng và giá cả trong những năm qua.
Hiện thương hiệu của một số doanh nghiệp trong ngành dệt may như: Phong
Phú, Nhà Bè, Việt Tiến… đã nhận được sự tín nhiệm của khách hàng, trở
thành điểm đến tin cậy đối với các nhà đầu tư, nhà nhập khẩu và là niềm
tự hào của ngành dệt may Việt Nam khi các doanh nghiệp này đã đưa được
sản phẩm “Made in Viet Nam” ra thị trường thế giới.
Có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam
cũng đang dần chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa
để nâng cao giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, một điều trăn trở hiện nay,
mặc dù Việt Nam đang đứng đầu về xuất khẩu gạo, cà-phê, hồ tiêu, thủy
sản nói chung... nhưng lại chưa có được những thương hiệu nông sản xứng
tầm để cạnh tranh với thương hiệu quốc tế.
Do đó giá trị xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam chưa cao, và sức cạnh
tranh của hàng hóa còn thấp. Chính vì vậy việc xây dựng thương hiệu cho
các sản phẩm đang trở nên cấp thiết và là thách thức lớn đối với mỗi
doanh nghiệp xuất khẩu nói chung.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep cho rằng, Vấn đề này không
phải làm một hay 2 năm, mà phải làm trong nhiều năm nhưng chúng ta hiện
đang làm rời rạc.
“Cái mà chúng ta mong muốn là cộng đồng cùng với cơ quan nhà nước xúc
tiến xây dựng thương hiệu quốc gia cho từng sản phẩm một, cá tra chẳng
hạn, tôm sú chẳng hạn. Nếu chúng ta làm được cái đó thì chúng ta sẽ có
những ảnh hưởng lớn hơn và việc xuất khẩu sẽ hiệu quả hơn”, ông Dũng
khẳng định.
Cục trưởng cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Ông Đỗ Thắng Hải nói
rằng, đây có thể là một trong những điểm yếu kém nhất của doanh nghiệp
Việt Nam nói chung cũng như trách nhiệm của nhà quản lý và các cơ quan
của Chính phủ nói riêng bởi chương trình thương hiệu quốc gia cũng đã là
một chương trình được đưa ra và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh
nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam để có thể xây
dựng năng lực cạnh tranh của mình và cũng như là xây dựng thương hiệu
của mình trên thị trường nội địa cũng như là thị trường quốc tế.
Ngoài ra các chương trình thương hiệu quốc gia cũng giúp cho các DN Việt
Nam có được những kỹ năng để xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu
của mình ngay tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường quốc tế. Tuy
nhiên, hiện nay trong bối cảnh khó khăn này các doanh nghiệp Việt Nam
cần chú trọng hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản
phẩm của mình.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, số DN có kế hoạch phát
triển thương hiệu một cách bài bản chưa nhiều. Một trong những nguyên
nhân chính là bởi xây dựng thương hiệu thường đòi hỏi thời gian để chinh
phục được người tiêu dùng và tốn kém nhiều chi phí. Ngoài ra, công tác
đăng ký và bảo hộ thương hiệu còn nhiều bất cập.
Nhiều DN cho rằng tiêu chí để đạt được thương hiều quốc gia là khá cao
so với mặt bằng chung về năng lực của các doanh nghiệp. Hiện nay, chỉ
DN có nội lực tốt, có lợi thế sản phẩm mới tập trung đầu tư cho công tác
này. Chính vì vậy các doanh nghiệp hiện đang rất cần sự hỗ trợ của nhà
nước trong việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa của doanh nghiệp mình.
“Việc xây dựng được mức độ để hỗ trợ cho doanh nghiệp là việc chúng tôi
rất mong muốn, nhưng chúng ta phải có sự chia sẻ chung của các DN Việt
Nam hiện nay đó là nguồn ngân sách nhà nước hết sức hạn hẹp. Hơn nữa,
Việt Nam mới ở bước đầu trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu. Ngay
cả các doanh nghiệp Việt Nam không phải DN nào cũng xác định đúng vai
trò quan trọng của thương hiệu cũng như”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, trường hợp nếu DN đã xác định được cũng chưa chú
trọng đầu tư một cách thích đáng cho việc xây dựng, quảng bá và bảo vệ
thương hiệu của mình. Chính vì vậy chúng tôi rất mong nhận được sự chia
sẻ của các doanh nghiệp đặc biệt là những DN đã đạt được thương hiệu
quốc gia trong những năm vừa qua cùng với Chính phủ, Bộ, ban ngành địa
phương cùng với Chính phủ xây dựng được chính thương hiệu của các doanh
nghiệp và thông qua đó tạo được hình ảnh quốc gia và thương hiệu quốc
gia Việt Nam.
Thương hiệu tạo lợi thế cho DN và sản phẩm của DN, định hướng tiêu thụ
sản phẩm của DN. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cần có chiến
lược dài hơi. Nhận rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu,
ngoài sự cố gắng của các DN, cũng rất cần các chương trình hỗ trợ từ Nhà
nước trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu Việt Nam tại một số thị
trường trọng điểm trên thế giới; hỗ trợ các DN thực hiện Chiến lược phát
triển ngành, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển
thương hiệu, tưng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam lớn
mạnh trên thị trường thế giới.
Comments[ 0 ]
Post a Comment