Hiệp
hội Thép Việt Nam (VSA) đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu
tôn mạ kim loại và sơn phủ màu hạn chế lượng xuất khẩu và kiểm soát giá
bán sang hai thị trường Malaysia và Thái Lan.
Theo báo cáo về tình hình sản xuất thép
cả nước 5 tháng đầu năm 2013 được VSA gởi Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Online hôm nay (12-6), VSA cho rằng vào ngày 4-6 vừa qua, đại diện hiệp
hội thép của Thái Lan và Malaysia tiếp tục phản ánh tình trạng tôn mạ
kim loại và sơn phủ màu xuất sang hai thị trường này tăng đột biến nhưng
giá lại thấp.
VSA cho biết trong cuộc gặp ngày 4-6,
đại diện Hiệp hội Thép Malaysia phản ánh thời gian gần đây, lượng tôn mạ
kim loại và sơn phủ màu xuất sang Malaysia tăng đột biến nhưng giá bán
lại thấp, gây ảnh hưởng xấu đến các nhà sản xuất tôn mạ kim loại của
nước này.
Trong khi đó, đại diện Câu lạc bộ Công nghiệp Thép Thái Lan tại cuộc họp
với VSA cũng cho rằng lượng xuất khẩu tôn mạ kim loại và sơn phủ màu từ
Việt Nam sang Thái Lan tăng mạnh thời gian qua. Phía Thái Lan cảnh báo
nếu phía Việt Nam không có biện pháp kìm chế hữu hiệu, có khả năng doanh
nghiệp thép của Việt Nam sẽ đối diện với việc bị kiện chống bán phá giá
từ các doanh nghiệp Thái Lan.
Để tình hình bớt căng thẳng, VSA đã đề
nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôn mạ kim loại và sơn phủ màu
hạn chế lượng xuất khẩu và kiểm soát giá bán sang hai thị trường trên.
Liên quan đến nguồn cung thép trong
nước, VSA cho biết giữa tháng 5 vừa qua Công ty cổ phần Thép Thái Trung,
công suất 500.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động và Công ty cổ phần Thép
miềnTrung, công suất 250.000 tấn/năm đã sản xuất thép thanh và đang
chuyển sang sản xuất thép dây có sản phẩm trên thị trường.
VSA nhận định tình trạng cung ngày càng vượt xa cầu khiến các doanh nghiệp thép trong nước cạnh tranh nhau quyết liệt.
Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua nhiều
doanh nghiệp thép phía Bắc liên tục giảm giá bán, mức giảm khoảng
400-600 đồng/kg. Có doanh nghiệp giảm giá 4-5 lần trong một tháng để
giành thị phần.
Ngày 30-5 vừa qua, VSA đã yêu cầu các
doanh nghiệp thép lớn như Hòa Phát, Gang Thép Thái Nguyên, Việt Ý, Việt
Đức …cần “làm gương”, hướng cho thị trường có giá cả ổn định, cạnh tranh
lành mạnh, chấm dứt biện pháp bảo lãnh giá, tránh xung đột giá cả gây
lỗ toàn ngành. Tuy nhiên chỉ sau hơn một tuần, tình trạng giảm giá sâu
lại tiếp diễn, gây náo loạn thị trường phía Bắc.
(Theo TBKTSG)
Comments[ 0 ]
Post a Comment