Theo
http://www.container-transportation.com/
Trước khi trích dẫn định nghĩa mang tính học thuật, tôi xin nêu cách
hiểu ngắn gọn: Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát
các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên
nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất
phát tới điểm tiêu thụ.
Có thể minh họa sự kết hợp của logistics đầu vào và đầu ra trong sơ đồ sau:
Nguồn: vlr.vn
Logistics
có thể tạm dịch một cách không sát nghĩa là “hậu cần”, nhưng có lẽ
đến nay Tiếng Việt chưa có thuật ngữ tương đương. Chúng ta có thể chấp
nhận từ logistics như một từ đã được Việt hóa, cũng tương tự như nhiều
từ khác trong thực tế đã chấp nhận như container, marketing…
Khía cạnh lịch sử
Về mặt lịch sử, thuật ngữ logistics bắt nguồn
từ các cuộc chiến tranh cổ đại của đế chế Hy Lạp và La Mã. Khi đó,
những chiến binh có chức danh “Logistikas” được giao nhiệm vụ chu cấp
và phân phối vũ khí và nhu yếu phẩm, đảm bảo điều kiện cho quân sỹ hành
quân an toàn từ bản doanh đến một vị trí khác. Công việc “hậu cần” này
có ý nghĩa sống còn tới cục diện của chiến tranh, khi các bên tìm mọi
cách bảo vệ nguồn cung ứng của mình và tìm cách triệt phá nguồn cung
ứng của đối phương. Quá trình tác nghiệp đó dần hình thành một hệ thống
mà sau này gọi là quản lý logistics. Trong thế chiến thứ hai, vai trò
của “logistics” càng được khẳng định. Đội quân hậu cần của quân đội Mỹ
và đồng minh tỏ ra có hiệu quả hơn của quân đội Đức. Quân Mỹ đã đảm bảo
cung cấp vũ khí, đạn dược, và quân nhu đúng địa điểm, đúng thời gian,
bằng những phương thức tối ưu. Nhờ phát huy ưu thế về công tác hậu cần
mà Mỹ và đồng minh đã nhiều lần chiếm ưu thế trong cuộc chiến tranh.
Cũng trong thời gian này, nhiều ứng dụng về logictics đã được phát
triển và vẫn còn được sử dụng đến ngày nay, mặc dù đã có ít nhiều thay
đổi để phù hợp với môi trường sản xuất kinh doanh.
Trong luật Việt Nam
Thuật ngữ logistics cũng đã được sử dụng
chính thức trong Luật thương mại 2005, và được phiên âm (một cách khá
“ngộ nghĩnh”) theo tiếng Việt là “lô-gi-stíc”. Điều 233 Luật thương mại
nói rằng:
“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức
thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu
kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn
khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ
khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng
thù lao.”
Định nghĩa mang tính học thuật
Hiện có nhiều định nghĩa học
thuật về thuật ngữ logistics. Theo Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về
quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management
Professionals - CSCMP), thì thuật ngữ này được định nghĩa khá đầy đủ
như sau:
“Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm
việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả
hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát
đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hoạt động của quản
trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập,
quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế
mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị
nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng
của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất,
đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp
kết hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động logistics cũng như phối hợp
hoạt động logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh,
sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.”
Phân biệt với “Chuỗi cung ứng”
Nếu logistics là một phần của
quản trị chuỗi cung ứng như định nghĩa trên, thì phần còn lại là gì?
Phân biệt logistics và chuỗi cung ứng như thế nào? Hay nói cách khác,
logistics khác gì với chuỗi cung ứng?
Để có căn cứ phân biệt, ta quay trở lại với khái niệm "chuỗi cung ứng"
cũng của Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng.
Hãy xem họ định nghĩa thế nào:
“Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm hoạch định và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến tìm nguồn cung, mua hàng,
sản xuất
và tất cả các hoạt động quản trị logistics. Ở mức độ quan trọng, quản
trị chuỗi cung ứng bao gồm sự phối hợp và cộng tác của các đối tác trên
cùng một kênh như nhà cung cấp, bên trung gian, các nhà cung cấp dịch
vụ, khách hàng. Về cơ bản, quản trị chuỗi cung ứng sẽ tích hợp vấn đề
quản trị cung cầu bên trong và giữa các công ty với nhau. Quản trị chuỗi
cung ứng là một chức năng tích hợp với vai trò đầu tiên là kết nối các
chức năng kinh doanh và các qui trình kinh doanh chính yếu bên trong
công ty và của các công ty với nhau thành một mô hình kinh doanh hiệu
quả cao và kết dính. Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm tất cả những hoạt
động quản trị logistics đã nêu cũng như những hoạt động sản xuất và thúc
đẩy sự phối hợp về qui trình và hoạt động của các bộ phận marketing,
kinh doanh, thiết kế sản phẩm, tài chính, công nghệ thông tin.”
Nếu so sánh hai định nghĩa trên, có thể thấy sự khác nhau cơ bản. Khái
niệm chuỗi cung ứng rộng hơn và bao gồm cả logistics và quá trình sản
xuất. Ngoài ra, chuỗi cung ứng chú trọng hơn đến hoạt động mua hàng
(procurement) trong khi logistics giải quyết về chiến lược và phối hợp
giữa marketing và sản xuất.
1PL, 2PL, 3PL, 4PL là gì vậy?
Khi nói đến logistics, bạn có thể
hay nghe các công ty dịch vụ nhận mình là 3PL (Third Party Logistics
provider), nghĩa là Công ty cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3. Câu
hỏi đặt ra là: 3PL là gì nếu họ là bên thứ 3, vậy còn các bên thứ nhất
(1PL), thứ hai (2PL), hay bên thứ tư (4PL) là gì? Ta cùng xem từng khái
niệm.
1PL: là người cung cấp hàng hóa, thường là người gửi hàng
(shipper), hoặc là người nhận hàng (consignee). Các công ty tự thực
hiện các hoạt động logistics của mình. Công ty sở hữu các phương tiện
vận tải, nhà xưởng, thiết bị xếp dỡ và các nguồn lực khác bao gồm cả
con người để thực hiện các hoạt động logistics. Đây là những tập đoàn
Logistics lớn trên thế giới với mạng lưới logistics toàn cầu, có phương
cách hoạt động phù hợp với từng địa phương.
2PL: là người vận chuyển thực tế, chẳng hạn như hãng tàu, hãng hàng không, hãng xe tải
3PL: là người cung cấp giải pháp tổng thể cho dịch vụ logistics
cho khách hàng, họ thường đảm nhiệm một phần, hay toàn bộ các công đoạn
của chuỗi cung ứng.
4PL: Thuật ngữ 4PL lần đầu tiên được công ty Accenture sử dụng,
và công ty này định nghĩa như sau: “A 4PL is an integrator that
assembles the resources, capabilities, and technology of its own
organization and other organizations to design, build and run
comprehensive supply chain solutions.”
Ví dụ về dịch vụ logistics
Dưới đây là ví dụ về dịch vụ
logistics cho công ty May 10, trích đăng từ bài viết trên diễn đàn
Vietship của thành viên có tên Dangerous Goods.
Công ty May 10 sản xuất và phân phối quần áo đi khắp nơi trong và ngoài
nước, giao hàng đến tận nơi, đến tận giá bán hàng của các đại lý bán
buôn, bán lẻ, thu hồi sản phẩm hư hỏng, lỗi, bán thanh lý hàng hết mốt,
sale, promotion..v.v..
Những việc cơ bản họ phải làm hàng ngày là làm hợp đồng, đặt mua vải,
chỉ, cúc, khóa, đinh, dây.v.v... ở trong, ngoài nước và sẽ ở nhiều nước
khác nhau, nhiều thành phố khác nhau (vì không thể mua toàn bộ phụ kiện
ở 1 nước, 1 thành phố được vì giá cả, mẫu mã, chất lượng ở mỗi nơi sẽ
có 1 ưu thế, mỗi 1 sản phẩm sẽ dùng 1 loại phụ kiện đặc biệt hoặc 1
loại vải theo đúng style của đơn hàng đó và sẽ phải mua nhiều loại ở
nhiều thành phố khác nhau, rồi sợ chiến tranh, thiên tai,.....)
Công việc vận hành hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng sẽ có những đơn
hàng theo lịch trình lập trước gửi cho các công ty vận tải (công ty
logistics) đến giờ này, ngày này, tháng này công ty May 10 sẽ cần bao
nhiêu cont vải của Italy, bao nhiêu kg cúc của Hàn Quốc, bao nhiêu chỉ
từ nhà máy trong Biên Hòa chuyển ra để làm đơn hàng A trong bao nhiêu
ngày,... Căn cứ theo Order của may 10, công ty vận tải lên kế hoạch và
trao đổi cùng May 10 để quyết định ngày nào thì nhập cái gì trước, bằng
đường nào, có thể kết hợp hay ghép hàng với đơn hàng khác hoặc của đơn
vị khác hay không, v.v..., mục đích nhằm tiết kiệm tiền vận chuyển tối
đa cho May 10, kịp tiến độ sản xuất hàng ngày mà lại không mất nhiều
chi phí lưu kho (việc này thì công ty May 10 không thể có điều kiện
ghép hàng, không có hệ thống đại lý toàn cầu và có phương án làm tốt
bằng đơn vị vận tải được).
Nếu mọi việc đều xuôn xẻ, công nhân không ai ốm, điện không bị mất,
không mưa, không bão, không động đất, không thay đổi đơn hàng, kiểu
dáng, không thừa thiếu, không thay đổi giá cả, không có sự cạnh tranh,
đổi nhà cung cấp vv và vv.... thì công ty vận tải cứ thế mà làm và thu
tiền.
Nhưng, lúc nào cũng sẽ có chữ “nhưng”, sẽ có lúc 1 trong những nguyên
nhân khách quan đem đến, May 10 buộc phải nhập nguyên phụ liệu gấp để
kịp về sản xuất, đây là lúc các anh chị vận tải sẽ phải đưa ra phương án
tối ưu cho khách hàng, đi bằng gì Sea (LCL; FCL), Truck, Rail, Sea-Air
hay Air... Vậy là các công ty giao nhận vận tải (công ty logistics)
phải tham gia sâu hơn vào công việc sản xuất kinh doanh của May 10.
Hàng sản xuất ra sẽ cần đến 1 hãng tàu, 1 công ty Logistics hay 1 cty
FWD nào đó cho 1 vài anh chị khéo miệng đến nói dăm ba câu phải trái,
hạ giá, nâng hoa hồng để giành việc vận chuyển nhưng, lại có 1 chữ
“nhưng”, cạnh tranh thế thì khó lắm, công ty đang làm vận tải cho may 10
họ phải dán tem mã, đánh số từng sản phẩm, từng thùng hàng, từng đơn
hàng, từng lô hàng, còn 1 số động tác nữa xin được bỏ qua, họ phải quét
mã để có số liệu hàng hóa để đưa lên mạng của công ty vận tải và để
cùng quản lý lượng hàng, phụ liệu vào/ ra với May 10 nữa.
Hàng chuẩn bị ra lò rồi thì kế hoạch phân phối đi nội địa bao nhiêu,
nước ngoài bao nhiêu, cửa hàng này bao nhiêu sản phẩm, cửa hàng kia bao
nhiêu sản phẩm thì các anh vận tải cũng có rồi, lúc này thì công ty vận
tải sẽ lên kế hoạch đóng đơn nào, đi đâu trước, có thể có hàng lẻ,
hàng cont, hàng bộ, hàng Air nhưng các anh hàng không hoặc các anh hãng
tàu hay các anh bảo là có Contract giá tốt đợi đấy mà vào cạnh tranh
được (các anh có thể làm sub-contract thôi thì được) vì công ty vận tải
người ta đã làm bao nhiêu công đoạn có lãi rồi, nếu cần cạnh tranh
bằng giá, họ sẵn sàng cạnh tranh giá thấp hơn và sẽ sử dụng dịch vụ của
hãng vận tải giá cao/ dịch vụ tốt hơn ông giá rẻ/ dịch vụ kém và hơn
nữa họ có 1 loạt công cụ mà hãng vận tải trực tiếp không bao giờ cạnh
tranh được thì chắc chắn May 10 sẽ không bỏ công ty vận tải trọn gói
kia được và lúc đó hãng vận tải trực tiếp chỉ đi săn đón các ông làm
vận tải trọn gói cho các nhà máy như May 10.
Hàng chuyển đến cảng đích rồi việc của công ty logistics lại tiếp tục
làm thủ tục hải quan, chuyển hàng đến kho phân phối hoặc chuyển trực
tiếp đến từng cửa hàng đặt sản phẩm hoặc đại lý bán hàng cho May
10...v.v...
Công ty logisitcs có thể thu tiền, ghi lại báo cáo lượng hàng tiêu thụ,
hàng tồn, hàng đổi, bảo hành, yêu cầu chuyển thêm hàng vào ngày
mai,....v.v... cho may 10 từ đó May 10 có kế hoạch sản xuất, phân phối,
thu đổi, bảo hành, khiếu nại nhà cung cấp vật liệu,.... và báo cho công
ty vận tải kế hoạch vận chuyển, thị trường này đang cần hàng này,
không cần hàng kia, thị trường này bán ế move qua thị trường khác để
clear hàng. Đơn nào còn đang nằm trong kho, đơn nào đã ra thị trường và
nằm tại shop nào, ngày tháng nào thì Sale, promotion đơn nào, loại gì.
Tất cả, tất cả những sản phẩm của May 10 đang nằm tại đâu, đất nước
nào, thành phố nào, kho hàng nào đều được công ty vận tải quản lý và
cập nhật thay đổi hàng ngày với May 10. Thậm chí các công việc tìm kiếm
mở rộng thị trường phân phối tại các nước, các yêu cầu, phản hồi từ
các đại lý bán hàng, từ công tác thị trường, từ khách hàng công ty vận
tải có thể giúp May 10 luôn vì công ty vận tải họ có hệ thống toàn cầu,
biết về các công ty bản địa nên thuận lợi hơn trong việc cầu nối
thương mại.
v
Comments[ 0 ]
Post a Comment